Tin tức

Man City - Sự lụi tàn của kỉ nguyên thống trị?

Đánh giá (5/1)
Facebook Twitter Google Myspace
Không ai còn nhận ra dáng dấp của đội bóng đã thống trị Premier League trong nhiều năm qua. Man City đang đứng trước nguy cơ sụp đổ 1 triều đại, tương tự Liverpool và Man Utd trước đây.

Cơ hội bảo vệ ngôi vương Premier League đã ở xa tầm tay của Man City

Khi Man City bất ngờ để thua Bournemouth ở vòng 10 Premier League, Pep Guardiola chặc lưỡi nói rằng đó điều bình thường trong bóng đá. Tới vòng 11, khi dàn sao The Citizens tiếp tục nếm trái đắng trên sân của Brighton, nhà cầm quân người Tây Ban Nha cho rằng đây là động lực để Man City hoàn thiện mình.

Và tới nay, sau trận thua tại Anfield, Pep đã thể hiện rõ sự bất lực. Ông thừa nhận mình xứng đáng bị sa thải nếu không vì những danh hiệu đã giành được trước đó tại Man City. Mọi thứ có vẻ đã vượt ngoài tầm kiểm soát của nhà cầm quân người Tây Ban Nha.

Man City đã thua 4 trận liên tiếp ở Premier League, điều chưa từng xảy ra với họ kể từ năm 2008. Tính trên mọi đấu trường, dàn sao The Citizens đã trải qua liên tiếp 7 trận chỉ biết hòa và thua (hòa 1, thua 6). Trong sự nghiệp cầm quân hào sảng của mình, Pep chưa từng rơi vào tình cảnh tồi tệ như vậy.

Man City hiện đã rơi xuống vị trí thứ 5 trên BXH Premier League, bị Liverpool nới rộng cách biệt lên 11 điểm. Cơ hội bảo vệ ngôi vương nước Anh đã ở khá xa thầy trò Guardiola. Mục tiêu thực tế nhất của họ là về đích trong top 4 để đoạt vé dự Champions League mùa tới.

Chuyện gì đã xảy ra với đội bóng đã giành 6 chức vô địch Premier League ở 7 mùa giải gần nhất? Đến Pep cũng không thể đưa ra câu trả lời chính xác dù ông hiểu rất rõ những vấn đề đang tồn tại ở sân Etihad.

Chuỗi trận tệ hại vừa qua không hẳn chỉ là những cú vấp ngã đơn thuần. Đó có thể còn là dấu hiệu báo trước sự kết thúc của 1 kỉ nguyên thống trị. Thực tế đã chứng minh không thành công nào kéo dài mãi mãi.

Man Utd từng tin rằng các tiêu chuẩn được đặt ra trong 2 thập kỉ thành công của Sir Alex sẽ giúp họ giữ vững vị thế sau khi ông nghỉ hưu vào năm 2013. Nhưng tới nay, sau hơn 10 năm, United vẫn là kẻ yếu thế.

Tương tự, Liverpool cũng từng trải qua giai đoạn sụp đổ đầy đau điếng vào những năm 1990. The Reds từng rất thành công với 4 danh hiệu Champions League trong 7 năm và 11 chức vô địch nước Anh trong 18 năm. Nhưng phải mất 30 năm, đội bóng thành phố cảng mới trở lại đỉnh cao nước Anh.

Liverpool và M.U đánh mất vị thế của mình vì những vấn đề khác nhau nhưng nó đều xuất phát từ những dấu hiệu được cảnh báo. Man City có vẻ cũng đang rơi vào tình cảnh tương tự.


Pep bất lực trước chuỗi trận tệ nhất trong sự nghiệp cầm quân

Những vấn đề của Man City được thể hiện rõ qua những cầu thủ như Gundogan, Nathan Ake, Walker hay thậm chí là De Bruyne. Nhiều ngôi sao của Pep đã lớn tuổi, xuống phong độ rõ rệt, trong khi chuyển nhượng không tạo ra lớp cầu thủ kế thừa xứng đáng.

Liverpool từng là đội bóng vĩ đại vào những năm 1980. Nhưng sau đó, khi nhiều trụ cột lớn tuổi, xuống phong độ, The Reds không tìm được những người thay thế. Điều tương tự cũng xảy ra ở Man Utd khi Smalling và Jones được chiêu mộ để thay thế Ferdinand - Vidic trong thời gian dài.

Sự biến đổi về lực lượng là cả một quá trình. Nhưng dần dần, nó phá vỡ mọi tiêu chuẩn và hậu quả sẽ đến như một điều tất yếu. City hiện đang trả giá vì lặp lại sai lầm từng khiến đế chế United và Liverpool sụp đổ.

Thực tế, Man City còn chịu ảnh hưởng ít nhiều của những vấn đề ngoài sân cỏ, trong đó phải kể tới 115 cáo buộc vi phạm quy định tài chính của Premier League. Họ không thể mạnh tay và dứt khoát trong chuyển nhượng như trước để làm mới đội hình.

Quyết định tái kí hợp đồng với Gundogan ở phiên chợ hè 2024 không phù hợp với chiến lược phát triển đội hình của Guardiola. Sau 1 năm xa cách, ở tuổi 34, tiền vệ người Đức không còn đủ thể lực để theo kịp tốc độ của Premier League.

Rất dễ nhìn ra lỗ hổng to đùng của Man City ở hàng tiền vệ kể từ khi Rodri dính chấn thương ACL. Pep hiểu rất rõ vai trò quan trọng của tiền vệ người Tây Ban Nha nhưng qua nhiều kì chuyển nhượng, ông vẫn không thể tìm ra lựa chọn dự phòng chất lượng. Gundogan chỉ là thương vụ tình thế, Kovacic không phải phương án lâu dài, còn Matheus Nunes thì sao?

Tại Anfield, Man City phải chắp vá hàng tiền vệ với Gundogan và Nunes. Không bất ngờ khi Liverpool tạo ra thế trận lấn lướt với lối chơi giàu tốc độ và sức mạnh. Walker (34 tuổi) và De Bruyne (33 tuổi) đều đã bước qua giai đoạn đỉnh cao sự nghiệp và thường xuyên dính chấn thương nhưng Pep không có người kế thừa.


Man City không có lực lượng kế thừa thế hệ từng rất thành công

Những cầu thủ trẻ chất lượng như Cole Palmer, Julian Alvarez, Taylor Harwood-Bellis hay Liam Delap đã lũ lượt rời Etihad trong 18 tháng qua. City đã bán những cầu thủ có thể bảo đảm quá trình chuyển đổi lực lượng diễn ra suôn sẻ.

Hãy nhìn lại mùa giải thành công nhất của Pep ở Man City (mùa 2022-23 với cú ăn 3 lịch sử). Khi đó, họ sở hữu đội hình gồm hầu hết là những cầu thủ đã được Pep kí hợp đồng hoặc phát triển từ khi còn trẻ.

Kỉ nguyên của Pep ở Man City đã kéo dài gần 1 thập kỉ, tương đương 1 thế hệ cầu thủ ở độ tuổi sung mãn nhất. Và hiện tại, triều đại ấy đang đứng trước nguy cơ sụp đổ. Trong khi City chững lại, các CLB khác lại chuyển mình không ngừng…

Thành Nam
Hãy đánh giá bài báo
Bình luận của độc giả
Hãy tham gia đóng góp ý kiến, bình luận cho bài báo này!
Để tham gia đóng góp ý kiến, bình luận bài báo, hãy đăng ký thành viên!