M.U sa thải Ten Hag: Bề nổi của tảng băng chìm |
|
Ten Hag đã trở thành HLV thứ 5 bị Man Utd sa thải trong kỉ nguyên hậu Sir Alex. Nhà cầm quân người Hà Lan không thể đáp ứng sự kì vọng của Quỷ đỏ nhưng đó chỉ là bề nổi của tảng băng chìm… |
Ten Hag đã kết thúc 2 năm rưỡi nắm quyền ở Man Utd Không còn là tin đồn nữa, BLĐ Man Utd đã chính thức sa thải HLV Erik Ten Hag sau trận thua West Ham ở vòng 9 Premier League. Đó là giọt nước tràn li và cũng là điểm tới hạn của sự kiên nhẫn. Quỷ đỏ buộc phải ra tay trước khi mọi thứ trở nên quá muộn. Ten Hag từng vỗ ngực khẳng định ông là HLV thành công thứ 2 ở Anh trong khoảng thời gian dẫn dắt Man Utd. Đúng là xét số danh hiệu, nhà cầm quân người Hà Lan chỉ kém Pep Guardiola. Ông đã vào 3 trận chung kết, giành 2 danh hiệu ở 2 mùa giải trước (Carabao Cup và FA Cup). Nhưng đó liệu có phải thước đo cho sự thành công? Điều mà CĐV Man Utd cần là màn trình diễn trên sân cỏ. Từ lâu, họ đã chán ngán với lối chơi ảm đạm, thiếu dáng dấp của một ông lớn dưới thời Ten Hag. Đối diện áp lực, Ten Hag chỉ biết rao giảng về “tiến trình” mà có vẻ chính ông cũng không biết sẽ sửa từ đâu và cải thiện như thế nào. Nhiều người cho rằng nhà cầm quân người Hà Lan đã may mắn ở lại tới cuối tháng 10 năm nay nhờ 2 danh hiệu ở 2 mùa giải trước. Đừng quên rằng trong 2 năm rưỡi nắm quyền ở Man Utd, Ten Hag đã chi hơn 600 triệu bảng để tăng cường lực lượng, hơn bất cứ HLV nào khác ở Old Trafford kể từ khi Sir Alex nghỉ hưu. Thậm chí, ông còn chiêu mộ nhiều học trò cũ. Nhưng vấn đề là hầu hết các bản hợp đồng của Ten Hag đều gây thất vọng, hoặc không thể hiện được giá trị tương xứng. Điểm đen của M.U dưới thời Ten Hag là thiếu bản sắc và phong cách rõ ràng. Có cảm giác Quỷ đỏ thi đấu theo bản năng. Khi tinh thần tốt, họ có thể đánh bại những đội bóng lớn như Man City. Nhưng cũng chẳng ai bất ngờ nếu họ dễ dàng để thua những CLB ở nhóm cuối BXH. Sau nhiều năm, M.U vẫn ở tình trạng bất ổn Ten Hag từng kiên quyết loại Ronaldo khỏi kế hoạch sử dụng của mình ở Man Utd. Tuy nhiên, ông lại không kiên định để tạo nên kỉ luật ở Old Trafford. Điều đó thể hiện rõ ở lối chơi theo kiểu “tùy tiện” của Man Utd. Từ lâu, Ten Hag đã bị đặt dấu hỏi về vai trò trong việc phát triển lối chơi và mảng miếng chiến thuật. Ole Gunnar Solskjaer từng có giai đoạn rất thành công ở M.U với lối chơi phòng ngự - phản công. Nhưng để cạnh tranh các danh hiệu lớn và lấy lại vị thế, đấu pháp này không phù hợp. Dưới thời Ten Hag, M.U cũng chỉ nguy hiểm trong thế phản công. Ông thành công ở các giải đấu cúp như Carabao Cup hay FA Cup nhưng thất bại ở các sân chơi lớn. Sau khi nắm quyền quản lí hoạt động bóng đá ở Old Trafford, tỉ phú Sir Jim Ratcliffe đã nhìn nhận khá đúng về Man Utd. Ông cho rằng thất bại của các HLV tại Man Utd sau khi Sir Alex nghỉ hưu chỉ là bề nổi. Vấn đề cốt lõi nằm ở chiến lược phát triển thiếu định hướng. Vì vậy, không bất ngờ khi Sir Jim đã cải tổ mạnh mẽ BLĐ Man Utd với 3 nhân tố mới ở cấp thượng tầng là Giám đốc điều hành Omar Berrada, Giám đốc thể thao Dan Ashworth và Giám đốc kĩ thuật Jason Wilcox. Tỉ phú Anh không vội sa thải Ten Hag sau mùa giải 2023-24 bởi tin rằng nhà cầm quân người Hà Lan có thể tạo nên sự khác biệt với cơ chế vận hành mới. Tuy nhiên, từ khi bổ nhiệm BLĐ mới tới nay, Man Utd mới chỉ trải qua vài tháng hoạt động. Từng ấy thời gian là quá ít để tạo nên sự thay đổi nhanh chóng. M.U về cơ bản vẫn đang hoạt động theo cơ chế cũ. Ten Hag thất bại là điều đã được dự báo bởi các vấn đề của Quỷ đỏ đã bộc lộ từ mùa giải trước. M.U đã bổ nhiệm BLĐ mới nhưng cần nhiều thời gian để tạo nên sự thay đổi Khi thay đổi HLV, M.U phải cải tổ lực lượng để phục vụ lối chơi mới. Nó đòi hỏi số tiền lớn để đầu tư cho chuyển nhượng. Vấn đề này đã tồn tại ở Old Trafford trong nhiều năm qua. Hơn bao giờ hết, Quỷ đỏ cần vai trò rõ rệt của vị Giám đốc thể thao mới. Ông cần định hướng lối chơi, xây dựng chiến lược theo giai đoạn. Ít nhất, nếu định hướng đúng lối chơi, M.U sẽ không mất quá nhiều tiền để thay đổi nhân sự. Chẳng hạn, Ten Hag đã mang về Old Trafford nhiều cậu học trò cũ với mức phí cao. Nhưng không ai dám chắc vị HLV mới của M.U sẽ ưu tiên sử dụng nhóm cầu thủ này. Đấy là sự lãng phí. Nhưng trên tất cả, vấn đề đáng lo ngại nhất của Man Utd ở thời điểm này là sức hút không còn. Họ rất cần những HLV đã khẳng định tên tuổi, kinh nghiệm và năng lực để gánh vác trọng trách ở Old Trafford. Nhưng hiện tại, không nhiều HLV coi Man Utd là bến đỗ đáng mơ ước. Man Utd từng liên hệ Thomas Tuchel nhưng nhà cầm quân người Đức quyết định chọn ĐT Anh dù phải chờ tới tháng 1 năm sau để nắm quyền. Tương tự, Pochettino cũng quyết định dẫn dắt ĐT Mỹ, trong khi Gareth Southgate chẳng tha thiết với thử thách ở Man Utd. Zidane đã nghỉ nhiều năm nay, vẫn đang chờ đợi cơ hội thích hợp để trở lại băng ghế huấn luyện. Nhưng theo tiết lộ của 1 cựu tuyển thủ Pháp, Zizou sẽ không chọn M.U vì đánh giá đội bóng này đang gặp quá nhiều vấn đề ở khâu quản lí. Klopp hay Nagelsmann cũng vậy! Họ được đánh giá cao về năng lực chiến thuật nhưng M.U là lựa chọn không hấp dẫn để thử sức. Tìm HLV đã khó, tìm cầu thủ chất lượng để nâng tầm còn khó hơn với Man Utd. Đã rất lâu rồi họ không thể chiêu mộ những ngôi sao thuộc top đầu của bóng đá thế giới. Do mất sức hút, Quỷ đỏ tuyển quân theo kiểu “có gì mua nấy”. Vậy nên, không khó hiểu khi nhiều thương vụ lớn của M.U thường thất bại hoặc không thể hiện được giá trị tương xứng. Ten Hag đã chi hơn 600 triệu bảng cho chuyển nhượng ở Man Utd De Ligt, Mazraoui là trò cũ của Ten Hag nhưng lại là “hàng thải” của Bayern Munich. Tương tự là trường hợp của Casemiro, Mason Mount hay Manuel Ugarte. Leny Yoro là cầu thủ trẻ rất triển vọng nhưng chỉ tới M.U sau khi bỏ lỡ cơ hội gia nhập Real Madrid. Do liên tục thay đổi HLV trong nhiều năm qua, Man Utd mua người theo kiểu ồ ạt, thiếu định hướng về lối chơi và chiến thuật. HLV sau không thể sử dụng các cầu thủ của HLV trước, hoặc có dùng nhưng không hiệu quả. Man Utd phải thừa nhận thực tế rằng họ không còn là CLB lớn ở Anh để thực hiện cuộc cải tổ mạnh mẽ. Tân Giám đốc thể thao Dan Ashworth cần 1 đề án phát triển rõ ràng với lộ trình cụ thể. Ông phải xây dựng kế hoạch về lối chơi, định hướng lựa chọn HLV và cầu thủ để dần thay máu đội hình. Ten Hag đi, sẽ có HLV mới đến nhưng M.U không thể thay đổi dàn cầu thủ như thay áo. Họ sẽ còn mãi bất ổn như vậy nếu không chấp nhận đập đi xây lại với chiến lược rõ ràng. |