ĐT Việt Nam và cuộc khủng hoảng về đấu pháp |
|
ĐT Việt Nam không chỉ yếu về thể lực mà còn gặp vấn đề về cả đấu pháp và lối chơi ở trận thua Thái Lan. Không dễ để HLV Kim Sang-sik giải quyết cuộc khủng hoảng này… |
ĐT Việt Nam bất lực để thua đội hình 2 của Thái Lan ở trận giao hữu tối qua Mặc dù rất muốn đánh bại Thái Lan để tạo đà tâm lí cho ASEAN Cup 2024 nhưng đội tuyển Việt Nam không thể hoàn thành mục tiêu. Thậm chí, đoàn quân áo đỏ còn bất lực để thua với tỉ số 1-2 ngay tại sân nhà Mỹ Đình. Nhìn nhận một cách tổng quát, có thể thấy sự nhỉnh hơn rõ rệt của Thái Lan về thể lực. Họ di chuyển tốt hơn, tranh chấp tốt hơn và từng đó là đủ để tạo nên sự khác biệt cho dù HLV Masatada Ishii không mang tới Việt Nam đội hình mạnh nhất. HLV Kim Sang-sik có lí khi cho rằng các tuyển thủ Việt Nam chưa đạt thể trạng tốt nhất để chơi đỉnh cao do V-League 2024-25 chưa khởi tranh. NHM có thể thông cảm với nhà cầm quân người Hàn Quốc bởi ông mới chỉ trải qua 4 tháng nắm quyền với 2 đợt tập trung. Nhưng thất bại tối qua vẫn rất khó nuốt với NHM. Bỏ qua yếu tố thể lực, ĐT Việt Nam có vẻ đang rơi vào cuộc khủng hoảng về đấu pháp. Sở dĩ nói vậy bởi ĐT Việt Nam chưa tạo ra mảng miếng rõ ràng nào về đấu pháp. Có cảm giác rằng các tuyển thủ đang chơi một cách tự do, tùy thuộc vào thế trận và bị cuốn theo cách chơi của đối thủ. Sự bị động ấy khiến ĐT Việt Nam gặp khó khăn trước đối thủ được đánh giá tinh quái hơn như Thái Lan. ĐT Việt Nam của HLV Kim Sang-sik không hẳn chơi phòng ngự - phản công như thời HLV Park Hang-seo, cũng chẳng kiểm soát, áp đặt như thời Troussier. Ra sân với đấu pháp không rõ ràng, không khó hiểu khi ĐT Việt Nam gặp nhiều vấn đề ở cả 2 mặt trận tấn công và phòng ngự. Về sơ đồ chiến thuật, ĐT Việt Nam cũng đang khủng hoảng. Dưới thời HLV Park Hang-seo, ĐT Việt Nam gây ấn tượng với sơ đồ 3-4-3 và 2 biến thể khác là 3-5-2 và 3-4-2-1. Công thức này hoạt động tốt vì ĐT Việt Nam sở hữu những hậu vệ biên giàu thể lực và tốc độ như Văn Hậu, Trọng Hoàng hay Văn Thanh. ĐT Việt Nam hiện rất thiếu những hậu vệ biên chất lượng để áp dụng sơ đồ 3-4-3 Nhưng hiện tại thì sao? Văn Hậu không còn là chính mình vì chấn thương, Trọng Hoàng đã từ giã sự nghiệp quốc tế, Văn Thanh cũng xuống phong độ. Những hậu vệ biên khác như Xuân Mạnh, Tuấn Tài hay Tấn Tài đều không đáp ứng được các tiêu chí để trở thành 1 cầu thủ chạy cánh đúng nghĩa trong sơ đồ 3 trung vệ. Thực tế, ở nửa sau nhiệm kì của HLV Park Hang-seo, công thức này của ĐT Việt Nam đã không còn hiệu quả. Bước sang triều đại của HLV Troussier, ĐT Việt Nam vẫn chơi với sơ đồ ấy và kết quả ra sao thì ai cũng thấy! Và hiện tại, HLV Kim Sang-sik vẫn ưu tiên sử dụng sơ đồ 3-4-3. Chiến lược gia người Hàn Quốc có vẻ không muốn mạo hiểm bởi công thức này đã quá quen thuộc với lứa cầu thủ đã thi đấu từ thời HLV Park Hang-seo. Đây là dấu hiệu của sự khủng hoảng đấu pháp! Nhiều CĐV cho rằng HLV Kim cũng sẽ thất bại nếu không tìm ra giải pháp mới cho ĐT Việt Nam. Nếu cứ ôm khư khư 1 công thức vốn không còn hiệu quả vì thiếu lựa chọn chất lượng, rất khó để ĐT Việt Nam tạo nên sự khác biệt. Qua 4 trận đấu dưới thời HLV Kim Sang-sik, ĐT Việt Nam đã phải vào lưới nhặt bóng tới 10 lần. Trước đó, hàng thủ của ĐT Việt Nam cũng gặp vấn đề lớn dưới thời HLV Troussier. Nó dẫn tới chuỗi kết quả đáng buồn nhất của ĐT Việt Nam sau nhiều năm gây tiếng vang. Trong tấn công, ĐT Việt Nam cũng rất thiếu ý tưởng bởi nhiều tên tuổi một thời dưới thời HLV Park như Quang Hải, Văn Đức, Tiến Linh hay Hoàng Đức đã xuống phong độ. Họ không còn thường xuyên tạo ra những tình huống làm chao đảo hàng thủ đối phương như trước. Tuấn Hải và Vĩ Hào với sự hoạt động tích cực đã mang tới làn gió mới ở hiệp 2 nhưng từng ấy là quá ít. Bàn thắng duy nhất mà ĐT Việt Nam ghi được ở trận đấu tối qua là đường chuyền dài từ sân nhà của Quế Ngọc Hải cho Tiến Linh. Đây là đặc sản của ĐT Việt Nam dưới thời HLV Park Hang-seo. Nhưng bàn thắng này chỉ được coi là miếng đánh bất thình lình. Còn trong thế trận mở, đoàn quân áo đỏ rất bế tắc. HLV Kim phải tìm giải pháp mới về đấu pháp cho ĐT Việt Nam Điều quan trọng là ĐT Việt Nam cần phải nhận rõ vị thế hiện tại để tìm ra phương án tối ưu nhất về chiến thuật. Sẽ là không thực tế nếu nói rằng ĐT Việt Nam hiện tại có thể sánh ngang Thái Lan hay Indonesia ở khu vực Đông Nam Á. Chơi tấn công khi gặp những đối thủ như vậy, ĐT Việt Nam có thể phải trả giá đắt. Thực tế cũng đã chứng minh điều đó trong năm 2024. Và về cơ bản, phòng ngự - phản công vẫn được xem là giải pháp tốt nhất, phù hợp nhất với những gì mà đội tuyển Việt Nam đang sở hữu. Từ nay tới ASEAN Cup 2024, ĐT Việt Nam vẫn còn 1 đợt tập trung nữa. NHM hi vọng HLV Kim Sang-sik đã rút ra những bài học để giải quyết bài toán khủng hoảng đấu pháp cho ĐT Việt Nam. |
diệp cô hồn |
|
||||||||||||
|